Thông tin trên được đưa ra tại Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường quý 1/2019 vừa được Phòng phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố.

GDP quý I tăng trưởng thấp

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2019 đạt 6,79% - thấp hơn hẳn so với mức 7,38% của cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là đà suy giảm diễn ra đồng đều ở cả ba khu vực: nông - lâm- thủy sản (chỉ tăng 2,68% so với mức 4,05% của quý I/2018); công nghiệp - xây dựng (8,63% so với 9,7%) và dịch vụ (6,5% so với 6,7%).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành trụ cột là công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy xu hướng đi xuống khá rõ. Chỉ số PMI trung bình trong 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 51,6 điếm, giảm mạnh so với mức 54,7 điểm của quý IV/2018. Xu hướng sụt giảm tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam là cùng chiều với đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, nhưng điểm tích cực là chỉ số PMI của Việt Nam vẫn đang cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Indonesia...

Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang thích ứng có phần tốt hơn với những bất lợi từ môi trường bên ngoài so với các nước khác.

Một điểm nổi bật khác nữa là đã có sự hoán đổi động lực giữa các sản phẩm công nghiệp trong quý I/2019. Một số sản phẩm có tăng trưởng cao như xăng dầu (tăng 73,2% nhờ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động), sắt thép thô (64,8% nhờ Formosa tăng sản lượng), tivi (49%), khí hóa lỏng (37,8%)... đã bù đắp cho mức tăng trưởng thấp hoăc sụt giảm của các nhóm hàng công nghiệp khác như điện thoại di động (tăng 2,1%), xe máy (tăng 2%), dầu thô (giảm 10%), linh kiện điện thoại (giảm 26%)...

Ở một khía cạnh khác, đà tăng trưởng chậm lại của GDP trong quý đầu năm nay có một phần nguyên nhân từ sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.

heo BVSC, điều này có thể được lý giải bởi hai yếu tố.

Thứ nhất, những khó khăn của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 4,7% trong quý I/2019 - thấp hơn hẳn mức tăng 22,5% của cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản đều có mức tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như rau củ quả (giảm 7%), gạo (giảm 15%), cà phê (giảm 16%), sắn (giảm 7,6%)... Một tỷ trọng lớn các mặt hàng này hiện đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu sụt giảm đã góp phần khiến tăng trưởng của khu vực nônglâm-thủy sản 3 tháng vừa qua tăng thấp hơn so với cùng kỳ.

Thứ hai, xuất khẩu các nhóm hàng điện thoại di động và điện tử gặp khó, chỉ tăng nhẹ 7% trong khi cùng kỳ hai năm gần nhất lần lượt tăng 20% và 40%. Các sản phẩm của Samsung gặp khó do thị trường điện thoại di động toàn cầu đang ở giai đoạn bão hòa cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng điện thoại Trung Quốc đã dẫn đến những khó khăn cho xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Mặc dù vậy, BVSC cho rằng, vẫn có những điểm sáng nhất định cho kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Điển hình là Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đã góp phần giúp gia tăng xuất khẩu vào các thị trường, điển hình như Canada và Mexico.

Ngoài ra, các hiệp định FTAs khác và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là nhân tố giúp xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ, valy, túi xách... tăng trưởng tốt trong quý I/2019.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam để tránh xung đột thương mại Mỹ- Trung cũng phần nào giúp vốn FDI tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký mới đạt 5,1 tỷ USD (không tính vốn góp mua cổ phần), tăng 30% YoY, trong đó vốn FDI từ Trung Quốc có mức tăng đột biến (gấp 6 lần so với cùng kỳ).

GDP 3 quý cuối năm sẽ tiếp tục khó khăn

Từ những phân tích trên, BVSC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong 3 quý tới. Lý do là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại với đà suy giảm tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc

Theo đó, tại Mỹ, tốc độ tăng chậm lại của GDP mang tính chu kỳ. Quý gần đây GDP giảm tốc là do chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất tăng nhanh của FED trong 2 năm trước đang dần “ngấm” vào nền kinh tế, dẫn đến tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư của các doanh nghiệp suy giảm. Ngoài ra, trong năm 2019, chính sách cắt giảm thuế quy mô lớn của ông Trump sẽ không còn đóng góp nhiều cho tăng trưởng như năm 2018.

Tại châu Âu, sự khó khăn đến từ khu vực sản xuất công nghiệp khi các quy định về khí thải mới khiến sản xuất ô tô của khu vực này suy giảm trong nửa cuối năm 2018. Ngoài sản xuất, tiêu dùng và đầu tư tại khu vực Eurozone cũng suy giảm do triển vọng tăng trưởng khó khăn trong thời gian tới.

Tại Trung Quốc, các hoạt động kinh tế vẫn đang trong xu hướng đi xuống, từ sản lượng công nghiệp, đầu tư đến bán lẻ. Chính phủ Trung Quốc kể từ cuối năm 2018 đã liên tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa cho hiệu quả rõ rệt. Đáng lưu ý, do những rủi ro đối với hệ thống tài chính hiện nay, gói kích thích kinh tế lần này của Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn nhiều so với hai lần nới lỏng gần nhất.

Theo BVSC, về bản chất, vấn đề suy giảm của kinh tế Trung Quốc hiện nay là hệ quả và chủ yếu bắt nguồn từ việc chuyển đổi mô hình kinh tế, các vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn. Tuy nhiên, những chính sách cụ thể trong ngắn hạn như quá trình thắt chặt tiền tệ, giảm đòn bẩy nợ của Chính phủ nước này kể từ năm 2015 tạo thêm khó khăn cho kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, tìm mô hình mới.

Căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ là yếu tố phụ, khiến đà suy giảm có thêm quán tính. Vì vậy, một thỏa thuận tạm thời ngừng áp thuế mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng đến vào đầu tháng 04/2019 tới nhiều khả năng sẽ không thể đảm bảo giúp chặn đà rơi của kinh tế nước này trong năm 2019.

Theo đánh giá của BVSC, kinh tế Trung Quốc sẽ cần thêm một vài quý nữa để các giải pháp kích thích kinh tế dần có tác dụng, giúp ngăn lại đà giảm tốc. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục trở lại sau đó, nếu có, cũng sẽ ở mức khiêm tốn

Trên cơ sở đó, BVSC duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 sẽ ở mức 6,8%.