THÀNH VIÊN
                BAN CHẤP HÀNH
                • VPPA
                • Đồng Tiến
                • Thuận Phát Hưng
                • Á Châu
                • CPPaper-Phùng Vĩnh Hưng (29/12/2010) - 1988
                • Xuân Mai (15/10/2004)
                • Rạng Đông (04/10/1995)
                • Đông Hải Bến Tre
                • Vĩnh Phú
                • Vietpaper
                • Đức Toàn
                • Thuận An
                CÁC NHÀ TÀI TRỢ
                • Nhataitro-QingLiang
                • Nhataitro-Wanda Boiler
                • Nhataitro-JingXin
                • Nhataitro-Gaoda
                • Nhataitro-Emin Dye
                • Nhataitro-Yunda
                • Nhataitro-HuaLong
                • Nhataitro-ZhongTai
                • Nhataitro-AroxTech
                • Nhataitro-Tianli
                • Nhataitro-Tri-Circle
                • Nhataitro-Sumec
                • Nhataitro-Aixier
                Số người đang online: 32
                Tổng số lượt truy cập: 4.921.016
                Số lượt click trong ngày: 5.693
                Tổng số lượt click: 14.994.106

                Thời sự
                Thứ tư, 19/07/2017 09:07

                Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm

                Thu hút FDI không chỉ nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mà còn nhằm mục đích tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường, tạo việc làm...

                Việt Nam tiến hành CNH, HĐH với xuất phát điểm thấp, các nguồn lực nhỏ bé và yếu kém. Đây là một trong những hạn chế đã cản trở rất lớn đối với quá trình phát triển và do vậy việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng. Thu hút FDI không chỉ nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mà còn nhằm mục đích tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, kỹ năng kinh doanh quốc tế, mở rộng thị trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động...

                Gần 30 năm thu hút FDI...

                Tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài là bước đi hiệu quả nhất cho các nước đang phát triển, trong đó nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

                Việt Nam bắt đầu quá trình thu hút FDI từ năm 1988 và trong 3 năm đầu (1988 - 1990) đã thu hút được trên 1,603 tỷ USD. Đến giai đoạn 1991 - 1995, FDI bắt đầu phát huy hiệu quả và đóng góp vào nền kinh tế, giai đoạn này thu hút trên 17 tỷ USD. Ở giai đoạn 1996-2000, nhờ kết quả thu hút được ở giai đoạn trước đã tạo tiền đề cho dòng vốn này chảy mạnh vào Việt Nam vào năm 1996 với gần 10 tỷ USD (tạo làn sóng FDI thứ nhất). Những năm sau đó bắt đầu giảm dần, mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu và dòng vốn FDI từ các quốc gia trong khu vực cũng giảm rất nhanh.

                Giai đoạn 2001 - 2005 là thời kỳ thu hút FDI gặp nhiều khó khăn. Do tác động từ bối cảnh quốc tế, nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc cải thiện môi trường đầu tư (cạnh tranh hơn) đã tác động ít nhiều đến quá trình thu hút FDI của Việt Nam. Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với lợi thế về ổn định kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị, dòng vốn FDI vẫn duy trì nhưng không bằng giai đoạn 1996-2000.

                 

                Sang giai đoạn 2006 - 2010 đã đánh dấu thời kỳ khởi sắc của dòng vốn FDI, đây là giai đoạn Việt Nam bước vào sân chơi WTO (gia nhập năm 2007) và đã tạo ra làn sóng FDI thứ hai trong năm 2008 khi cả năm thu hút được 1.171 dự án với tổng vốn đăng ký lên đến 71,7 tỷ USD, gần bằng số vốn FDI lũy kế của giai đoạn từ 1988 - 2007 (77,8 tỷ). Sang năm 2009 và 2010, vốn FDI sụt giảm rất lớn so với năm 2008, tương đương 1/3 so với mức kỷ lục năm 2008, nhưng cũng không phải là kết quả tồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Giai đoạn từ 2011 đến nay, dù có những khó khăn xuất phát từ bất ổn nội tại của nền kinh tế Việt Nam nhưng nhìn chung vẫn đạt được kế hoạch thu hút FDI đề ra, bình quân trên dưới 20 tỷ USD/năm, vốn giải ngân cũng khá ổn định và có tăng trưởng tốt.

                Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2016, cả nước đang có 22.509 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 293,25 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt hơn 154,54 tỷ USD (bằng gần 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực). Khu vực FDI đã đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 58,8% tổng vốn đăng ký), kinh doanh bất động sản đứng thứ hai (chiếm 17,7% tổng vốn đăng ký). Có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 5.747 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 50,7 tỷ USD (chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư); đứng thứ 2 là Nhật Bản với 3.280 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 42 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư).

                Đến nay, FDI đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm, có lợi thế. Xếp theo quy mô vốn, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với 6.737 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 44,82 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đăng ký cả nước; đứng thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu với 342 dự án, vốn đăng ký 26,86 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đăng ký cả nước; đứng thứ ba là Bình Dương với 3.035 dự án, vốn đăng ký 26,96 tỷ USD, chiếm 9,1%.

                ...và những giá trị đem lại

                Khi xem xét giá trị của FDI dưới các góc độ khác nhau, các nhà kinh tế và quản lý có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau khi nhận định về giá trị của nó đối với sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều thì ít, FDI cũng đã đem lại những giá trị tích cực cho nền kinh tế, thể hiện ở những điểm sau:

                Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

                Nhìn vào Hình 1 có thể thấy xu hướng vận động của tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam về cơ bản là cùng pha với nhau. Chỉ có năm 2008 trong khi vốn thực hiện FDI tăng mạnh nhưng do chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ và suy thoái kinh tế toàn cầu, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh so với năm 2007. Nhìn dài hạn, chúng ta có thể khẳng định rằng, FDI là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

                Mặt khác, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI trong GDP năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 1992, tỷ lệ này là 2% thì đến năm 2005 đạt khoảng 15%, năm 2015 là trên 17%. Điều này khẳng định vị trí, vai trò của khu vực FDI trong nền kinh tế quốc dân.

                Khu vực FDI cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với giá trị ngày càng tăng. Giai đoạn 1994-2000 là 1,8 tỷ USD, tăng lên 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2010 và 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015.

                Hai là, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

                FDI là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm mới, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, ximăng…, làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân nhờ có cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn.

                FDI cũng góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, con có năng suất chất lượng cao. Các doanh nghiệp FDI đã tập trung đầu tư vào một số ngành quan trọng trong nông nghiệp và nông thôn, như: chế biến nông sản sau thu hoạch, chế biến thức ăn gia súc,… tạo ra nhiều loại sản phẩm mới và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản.

                Trong lĩnh vực dịch vụ, FDI làm xuất hiện nhiều dịch vụ mới có chất lượng cao, như: ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistic, khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê... Một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế, từng bước tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ phát triển và tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

                Ba là, tăng quy mô vốn đầu tư cho nền kinh tế

                Với Việt Nam, đang trong quá trình đẩy manh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên nhu cầu về vốn của nền kinh tế quốc dân là rất lớn, FDI đã bổ sung phần nào đáng kể nhu cầu đó. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, nguồn vốn FDI giữ một vai trò quan trọng, thể hiện qua tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của khu vực này ngày càng tăng lên (Hình 2).

                Trong giai đoạn 2011-2015, khu vực FDI đóng góp trên 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, dù vốn FDI là ngoại lực quan trọng cho quá trình đầu tư phát triển nền kinh tế quốc dân, nhưng cần lưu ý nếu chúng ta sử dụng không có hiệu quả sẽ tác động xấu đến quy hoạch, làm mất cân đối trong cơ cấu đầu tư, cơ cấu vùng, có thể gây ô nhiễm môi trường và tiếp thu những công nghệ lạc hậu.

                Bốn là, nâng cao trình độ công nghệ

                FDI được coi là kênh quan trọng để phát triển năng lực công nghệ của nước tiếp nhận đầu tư. Thông qua FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ hiện đại, như: cơ khí chính xác, điện tử, công nghiệp phần mềm, bưu chính - viễn thông, công nghệ sinh học… FDI còn góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các khu chế xuất, khu công nghiệp với trình độ công nghệ tiên tiến. Nhiều công nghệ mới và hiện đại đã được chuyển giao thông qua hoạt động FDI, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

                Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc chuyển giao những công nghệ mới, có tính cạnh tranh cao thường khó thực hiện được, vì các công ty này sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến và nhái lại công nghệ của các công ty nước chủ nhà. Đây chính là hạn chế cơ bản trong chuyển giao công nghệ thông qua FDI.

                Năm là, thúc đẩy xuất nhập khẩu, mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế

                Những năm qua, hàng hóa xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đã “biến” bạn hàng của họ thành bạn hàng của Việt Nam, quảng bá thương hiệu quốc gia, trở thành “cầu nối”, là điều kiện tốt để Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và tiến hành hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, những trung tâm kinh tế, kỹ thuật, công nghệ lớn trên thế giới, từng bước nâng cao thế và lực của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa.

                Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều này, trước năm 1987 (năm có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ bé và đơn điệu về chủng loại hàng hóa, hầu hết là sản phẩm thô, chưa qua sơ chế hoặc mức độ chế biến thấp. Ngoài dầu thô và gạo, không có mặt hàng xuất khẩu nào vượt quá 100 triệu USD/năm. Khi các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đi vào giai đoạn phát triển, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực này đã góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Từ năm 1991 đến 1995 xuất khẩu của khu vực FDI đạt trên 1,12 tỷ USD, đến giai đoạn 1996-2000 đạt trên 10,6 tỷ USD, tăng hơn 8 lần so với 5 năm trước và chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong giai đoạn 2011-2015, cũng không ngừng tăng lên, năm 2015 đạt gần 80 tỷ USD và 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhờ xuất khẩu từ khu vực FDI, cán cân thương mại không những được cải thiện, mà còn tạo ra xuất siêu trong vài năm gần đây.

                Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

                Lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, nếu năm 1990 tỷ lệ lao động trong khu vực này chỉ chiếm 0,04% lực lượng lao động cả nước, thì đến năm 2007 tỷ lệ này là 1,6%. Năm 2010, khu vực FDI đã thu hút trên 1,7 triệu lao động trực tiếp, trong đó lao động trực tiếp làm việc trong khu vực công nghiệp chiếm gần 80%, năm 2015 là 2,2 triệu lao động, chiếm 4,2% so với cả nước. Ngoài ra, FDI còn tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Khu vực FDI được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài.

                Với nhiều giá trị đem lại, tuy nhiên, FDI không phải không có mặt trái, như: lợi dụng chính sách ưu đãi để thực hiện chuyển giá, đưa vào Việt Nam những dự án có công nghệ lạc hậu gây tác hại đến môi trường sinh thái, núp bóng dưới hình thức nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài để hoạt động tình báo, gây rối, phá hoại an ninh quốc gia... Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đi sâu vào phân tích những mặt trái này.

                Giải pháp cần thực hiện

                Để thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp định hướng sau đây:

                Thứ nhất, thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng ta về thu hút FDI trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nguồn vốn FDI cơ bản hình thành một thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là thành phần kinh tế có nhiều tiềm năng về vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường. Phải xác định rõ thu hút đầu tư nước ngoài vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức, đồng thời vừa đấu tranh, vừa hợp tác... từ đó chúng ta mới phát huy nội lực và nâng cao khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cần xây dựng mối quan hệ hợp tác, hai bên cùng có lợi, đảm bảo thu hút được nhiều FDI mà vẫn giữ được độc lập tự chủ về mọi mặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nhận diện thật thấu đáo đối tác và đối tượng trong từng dự án FDI.

                Thứ hai, phải xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức. Đối với cán bộ quản lý, hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, phải am hiểu về luật pháp quốc tế, kỹ năng khai thác thị trường, bí quyết kinh doanh… Sớm xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, vận hành được các công nghệ hiện đại. Song song với việc đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, cần phải chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, chính trị của đội ngũ công chức nhà nước trong công tác quản lý đầu tư nước ngoài. Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cần quan tâm đến chính sách tiền lương, xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.

                Thứ ba, xây dựng định hướng hội nhập quốc tế và đầu tư. Đây là một trong những nội dung quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Thông qua FDI, nền kinh tế các nước gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, Việt Nam đã và sẽ ký kết tham gia các điều ước và định chế quốc tế thuộc lĩnh vực hội nhập quốc tế về đầu tư, như: Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ, Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Hiệp định về các biện pháp thương mại liên quan đến đầu tư của tổ chức thương mại thế giới (WTO-TRIM)…

                Thứ tư, cần định hướng hoạt động của các doanh nghiệp FDI cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đối với những ngành hàng mà nước ta có lợi thế như nông sản và các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, thì nên đầu tư nhiều hơn. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng ở nông thôn và công nghiệp chế biến hàng nông sản, mở rộng đầu mối xuất khẩu nông sản sang các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Đối với các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, như: dệt may, giày da…, thì điều quan trọng là thị trường, chất lượng, công nghệ và mẫu mã. Một số mặt hàng ta không có lợi thế, như: xi măng, thép, đường, giấy, thì không nên đầu tư để xây dựng mới, mà chỉ củng cố những dự án đã có sẵn để sử dụng hết công suất, đặc biệt là khâu cung ứng nguyên liệu. Khuyến khích các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác tối đa thị trường nội địa để thay thế hàng nhập khẩu.

                Thứ năm, tiếp tục đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng cứng (đường, điện, nước, thông tin…), cũng như hạ tầng mềm (tài chính ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật công nghệ) để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tiếp nhận và phục vụ đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời phải có quy hoạch tổng thể về thu hút FDI thật sự khoa học, phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu quá trình CNH, HĐH; tiếp thu công nghệ hiện đại, nhưng không quên yếu tố giải quyết việc làm./.

                Tài liệu tham khảo:

                1. Tổng cục Thống kê (2005, 2010, 2015). Niên giám thống kê các năm 2005, 2010, 2015

                2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Kỷ yếu hội nghị: 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

                3. Cục Đầu tư nước ngoài (2016). Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài 12 tháng năm 2016, truy cập từ http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5177/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-12-thang-nam-2016

                4. Nguyễn Tấn Vinh (2012). Đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - Hành chính

                TS. Nguyễn Tấn Vinh - Học viện Chính trị Khu vực II

                Nguồn: Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01/2017

                QUẢNG CÁO
                Tấm lợp sinh thái-banner phải
                DongTienPaper-Intro
                HỘI VIÊN
                • Giay Saigon MienTrung (15/3/2005)
                • Quang Minh Kieu
                • Vinpas
                • Tan Phat
                • Linh Xuân
                • Siemens
                • Lee&Man
                • Vina-Kraft
                • Tetra Pak
                • Giấy Sài gòn
                • Marubeni
                • Dương Nhật (5/5/2014)
                • HanThai
                • Valmet (26/2/2019)
                • MeKong Paper (26/5/1995)
                • Thuận Thiên Phát
                • Sức trẻ (17/1/2005)
                • Tân Quảng Phát
                • Sojitz (06/5/2009)
                • VOITH-IHI
                • Đông Dương
                • CRM
                • Minh Vi (23/8/2007)
                • Khang Thành
                • Trường Cao Đẳng nghề CN Giấy & Cơ điện
                • Bao Bì Tấn Đạt
                • Ecozen-Thiền Sinh Thái
                • Khang Lâm
                • Minh Cường Phát paper
                • Mỹ Việt
                Bản quyền 2012 © CHI HỘI II - HIỆP HỘI GIẤY & BỘT GIẤY VIỆT NAM
                Email: info@ppivn.vn - Website: www.ppivn.vn