Thuế quan mới đã làm các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc

Thuế quan mới đã làm các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh, gần 40% các công ty cho biết việc tăng thuế quan của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/5 sẽ có tác động tiêu cực mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của họ, 35% doanh nghiệp nói rằng chiến lược chính của họ để đối phó với căng thẳng là tái cấu trúc để hoạt động với xu hướng sản xuất cho thị trường này, thay vì xuất khẩu.

Bên cạnh đó, 1/3 số doanh nghiệp thừa nhận đang trì hoãn và hủy bỏ các quyết định đầu tư. Các công ty Mỹ tiết lộ, họ đang phải đối mặt với những trở ngại ngày càng gia tăng như sự kiểm tra của chính phủ, sự chậm trễ trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan và phê duyệt để cấp phép.

Theo khảo sát chung của AmCham, tác động lớn nhất của thuế quan là giảm nhu cầu đối với các sản phẩm, tiếp theo là tăng chi phí sản xuất. Chỉ 10% cho biết họ dự định nộp đơn xin miễn trừ thuế quan của Trung Quốc, trong khi 15,1% cho biết họ sẽ xin miễn thuế từ thuế quan của Mỹ.

Một tác động tiêu cực của thuế quan có thể dễ dàng nhận thấy là đang làm tổn thương khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Đã có những lo ngại rằng các công ty Mỹ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa phi thuế quan ở Trung Quốc, nhưng 53% các chủ doanh nghiệp cho biết họ đã không trải qua bất kỳ biện pháp nào như vậy trong 10 tháng gần nhất.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng bị thiệt hại nhiều lớn hơn từ cuộc chiến thương mại so với các đối tác trong Liên minh châu Âu. Chỉ một vài trong số các công ty châu Âu đang xem xét chuyển chuỗi cung ứng của họ ra bên ngoài Trung Quốc trong một cuộc khảo sát gần đây.

Chiến tranh thương mại cũng làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân trồng cây đặc sản ở bờ tây nước Mỹ như người trồng hạt và anh đào tìm kiếm thị trường thay thế sau khi Trung Quốc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu khiến sản phẩm của họ quá đắt để tiêu thụ ở thị trường này.

Đặc biệt, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn ảnh hưởng xấu tới các công ty phần mềm đa quốc gia khi những công ty này bị siết chặt hoạt động ở Trung Quốc hơn so trước đây. Còn theo quan điểm của Trung Quốc, một khi các công ty của Mỹ rút khỏi nước họ thì sẽ khó mà quay trở lại.

Các công ty phần mềm của Mỹ phải chịu liên đới như VMware, Red Hat, Microsoft, IBM, Oracle và thậm chí cả dịch vụ web của Amazon đang "làm ăn" với Huawei phải tính đến phương án tìm thị trường và đối tác thay thế. 

Trong số các công ty đã chuyển dịch sản xuất hoặc đang xem xét di dời, điểm đến phổ biến nhất là Mỹ, sau đó là các thị trường mới nổi như Đông Nam Á và Mexico.

Mặc dù vậy, có một số doanh nghiệp Mỹ đang cho rằng, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang đem lại nhiều lợi thế cho họ. Những doanh nghiệp và những người nông dân trồng tỏi đang thu lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi doanh số bán tỏi ở California hiện đang tăng sau nhiều thập kỷ mất giá khi đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

Có thể thấy, trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hành hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới không chỉ gây thiệt hại cho hai nước, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện chưa rõ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài bao lâu khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai bên vẫn lâm vào bế tắc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố việc áp thuế với hàng Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà sản xuất rút khỏi nước này và chuyển sang những nước châu Á khác. Ông chủ Nhà Trắng còn khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại với Bắc Kinh cũng sẽ không ở mức "50-50". 

Phản bác lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh cho rằng các nhà đầu tư đang rút khỏi Trung Quốc và cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Tesla, BASF và BMW vẫn đang tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải thiện điều kiện kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài.